Safe and sound investments
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Một bài báo cũ đáng đọc về cổ phiếu HSP

Go down

Một bài báo cũ đáng đọc về cổ phiếu HSP Empty Một bài báo cũ đáng đọc về cổ phiếu HSP

Post by Admin Fri Sep 24, 2021 2:05 pm

Nhà nước thoái vốn, ai sẽ là chủ mới Sơn Đại Bàng?

Nhà Đầu Tư, 13/11/2019. Sau khi chấp thuận giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức phủ quyết, Vinachem sẽ không dễ bán toàn bộ 27% cổ phần HaSyPaintCo với mức giá mong muốn

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa đăng ký đấu giá 3.247.246 cổ phần, tương đương toàn bộ 27% vốn điều lệ đang sở hữu tại CTCP Sơn Tổng hợp Hà Nội (HaSyPaintCo).

Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào sáng ngày 5/12 tới đây trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần là 24.296 đồng. Vinachem theo đó dự tính thu về ít nhất 78,9 tỷ đồng.

HaSyPaintCo nổi danh với thương hiệu Sơn Đại Bàng, là thế hệ doanh nghiệp ngành sơn thứ hai ở miền Bắc, có lịch sự thành lập từ năm 1970 với tên gọi Nhà máy Sơn mực in Hà Nội trực thuộc Tổng cục Hoá chất (Bộ Công Thương hiện nay). Từ năm 1993, Công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, là đơn vị thành viên của Vinachem, trước khi cổ phần hoá năm 2006.

Một bài báo cũ đáng đọc về cổ phiếu HSP Son-to10

Từ đó đến nay, HaSyPaintCo đã thực hiện nhiều lần tăng vốn, từ 28,6 tỷ đồng lên 48,6 tỷ đồng qua chào bán chứng khoán ra công chúng năm 2007, hay phát hành riêng lẻ, tăng từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng năm 2016. Sau các đợt tăng vốn, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại HaSyPaintCo thông qua Vinachem giảm dần và hiện chỉ còn 27%, thấp hơn cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Quản lý đầu tư HAP Việt Nam (30,76%).

HAP Việt Nam là doanh nghiệp còn khá non trẻ, vừa được thành lập cuối tháng 5/2019, do một nữ doanh nhân sinh năm 1994 đứng tên sở hữu. Chỉ ít ngày sau khi bắt đầu hoạt động, HAP Việt Nam đã nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần HaSyPaintCo được nắm giữ trước đó bởi một pháp nhân - là nhà đầu tư chiến lược đã mua 30,76% cổ phần HaSyPaintCo năm 2016.

HAP, cũng trùng hợp với viết tắt của pháp nhân này. Bởi vậy, sẽ không bất ngờ nếu đây chỉ là nghiệp vụ tái cơ cấu đầu tư của nhóm HAP.

Nhà đầu tư chiến lược của HaSyPaintCo được thành lập năm 2000, có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực buôn bán hoá chất ở Hà Nội gắn liền với tên tuổi nữ doanh nhân sinh năm 1953 Nguyễn Thị Bích Ngọc - cũng là chủ sở hữu 90% cổ phần. Cuối tháng 9/2019, bà Bích Ngọc rút lui, nhường toàn bộ cổ phần cũng như vai trò Tổng giám đốc cho ông Trần Việt Linh (SN 1990).

Như đã đề cập, Quản lý đầu tư HAP Việt Nam nhiều khả năng có liên hệ với Hà Anh Phát. Nếu giả thiết này đúng với thực tế, thì với việc tái cấu trúc sở hữu, chuyển cổ phần sang một doanh nghiệp "quản lý đầu tư", có ngành nghề chính theo đăng ký là "tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại", không loại trừ trường hợp nhóm HAP chỉ coi HaSyPaintCo là một khoản đầu tư ngắn hạn, và sẽ sớm tìm kiếm đối tác chuyển nhượng.

Kịch bản này không phải là không có căn cứ. Biết rằng từ năm 2016 đến nay, dù là cổ đông lớn nhất, song HAP lại không có/ không đề cử đại diện trong HĐQT, dù theo Điều lệ, tương ứng với số cổ phần sở hữu, họ có thể chiếm tới 3 ghế trong HĐQT HaSyPaintCo.

Nhóm nào mới nắm thực quyền tại HaSyPaintCo?

Cập nhật tới cuối tháng 6/2019, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Ái và người thân nắm 7,99% vốn HaSyPaintCo. Tuy nhiên, tỷ lệ này không phản ánh thực chất ảnh hưởng của doanh nhân kỳ cựu năm sinh năm 1945. Tháng 5/2018, con trai ông - ông Nguyễn Ngọc Anh (SN 1979) đã thay cha phụ trách vị trí Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật, bên cạnh chức vụ Uỷ viên HĐQT được bầu từ năm 2013.

Ông Nguyễn Thiện Ái đã có mặt trong HĐQT HaSyPaintCo ít nhất từ sau cổ phần hoá và đảm trách chức vụ Chủ tịch HĐQT từ năm 2011. Dưới sự chèo lái của doanh nhân năm nay bước sang tuổi 75, HaSyPaintCo, dù không có nguồn lực lớn, song nhiều năm nay vẫn là thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực sơn, nhất là ở phía Bắc, được nhiều khách hàng lớn tin dùng như các hãng xe hơi, xe máy Honda, Yahamaha hay Ford Việt Nam...

Uy tín của ông Nguyễn Thiện Ái thể hiện qua việc ông được cán bộ công nhân viên trong công ty gần như tin tưởng tuyệt đối. Ở một ví dụ, trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, đã có 267 cổ đông nhỏ, cán bộ, nhân viên sở hữu 3,27 triệu cổ phiếu, tương đương 41% vốn khi đó của HaSyPaintCo uỷ quyền cho vị Chủ tịch lớn tuổi.

Vinachem có thoái vốn thành công?

Việc thoái vốn khỏi HaSyPaintCo được thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Vinachem số 16/QĐ-TTg ngày 5/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Vinachem hồi tháng 7/2019 đã đấu giá thành công cổ phần tại ba thành viên là CTCP Bột giặt Net, CTCP Công nghiệp Hoá chất Đà Nẵng và CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Mỏ, thu về tổng cộng 213 tỷ đồng.

Đà thoái vốn thuận lợi, cùng thị trường chứng khoán nhìn chung đang diễn biến tích cực có lẽ là nền tảng để Vinachem tự tin với giá khởi điểm 24.296 đồng trên mỗi cổ phần HaSyPaintCo, theo tư vấn của Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam.

Mức giá này đặt cạnh giá trị sổ sách của mỗi cổ phần HaSyPaintCo là 14.642 đồng tới cuối tháng 9/2019 hay EPS chỉ ở 277,5 đồng trong nửa đầu năm sẽ là các yếu tố khiến nhà đầu tư phải cân nhắc. Biết thêm rằng, trong đợt tăng vốn năm 2016, HaSyPaintCo đã phát hành cho Hà Anh Phát 3,7 triệu cổ phần với mức giá 13.800 đồng/CP.

Ngoài ra, như đã đề cập, với vị thế và ảnh hưởng của gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Ái, nếu không phải chính họ gia tăng sở hữu, thì rất khó để một nhà đầu tư nào khác mua lại cổ phần của Vinachem và mong muốn có chỗ đứng ở HaSyPaintCo.

Dù sao thì nếu cuộc thoái vốn sắp tới của Vinachem thành công, các nhóm cổ đông cả mới lẫn cũ của HaSyPaintCo đều sẽ phải ngồi lại với nhau trước xu hướng giảm sút rõ rệt trong kết quả kinh doanh vài năm đổ lại. 9 tháng đầu năm 2019, HaSyPaintCo chỉ đạt doanh thu 125 tỷ đồng, lãi sau thuế vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 68% doanh thu, 61% lợi nhuận). So với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, HaSyPaintCo sau 3/4 năm tài chính mới hoàn thành 25% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận.

Kế hoạch kinh doanh cũng là khác biệt lớn giữa cổ đông nhà nước và tư nhân trong HaSyPaintCo. Trong các ĐHĐCĐ thường niên từ năm 2017-2019, các đại diện của Vinachem đều chất vấn, yêu cầu tăng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận.

Dù vậy, theo Điều lệ của HaSyPaintCo, tỷ lệ phủ quyết phải là trên 35%. Năm 2016, việc phát hành cổ phần riêng lẻ đã khiến tỷ lệ sở hữu của Vinachem giảm mạnh từ 39% về còn 27%, đồng nghĩa với việc tập đoàn kinh tế Nhà nước này gần như không còn tiếng nói tại HaSyPaintCo. Ở chiều ngược lại, nhóm Hà Anh Phát và nhà Chủ tịch Nguyễn Thiện Ái luôn thống nhất một khối, giúp các tờ trình về kế hoạch kinh doanh dù bị Vinachem bỏ phiếu chống, vẫn được thông qua với tỷ lệ trên dưới 70%.

Ngoài sản xuất - kinh doanh sơn, HaSyPaintCo còn nắm trong tay một số khu đất đáng chú ý: gần 22.506m2 đất tại Thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì Hà Nội, bao gồm 5.055,9m2 đất là trụ sở làm việc – là đất thuê 50 năm, trả tiền hàng năm, 12.547m2 đất làm nhà xưởng sản xuất, 4.688,6m2 đất làm nhà kho; 20.488m2 đất tại xã Minh Đức, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, là trụ sở làm việc, nhà xưởng sản xuất; hay đáng chú ý hơn cả là khu đất 3.556m2 đất tại số 81 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội là đất xây dựng văn phòng.

*Nguồn: https://nhadautu.vn/nha-nuoc-thoai-von-ai-se-la-chu-moi-son-dai-bang-d30059.html

Admin
Admin

Posts : 226
Join date : 2021-09-21

https://ssinv.forumvi.com

nmhhg8 and phuonglanmpi like this post

Back to top Go down

Một bài báo cũ đáng đọc về cổ phiếu HSP Empty Re: Một bài báo cũ đáng đọc về cổ phiếu HSP

Post by Admin Sat Oct 02, 2021 10:27 pm

Một bài nữa (Realtimes, 30/07/2019): https://reatimes.vn/vi-sao-doanh-nghiep-so-huu-thuong-hieu-son-dai-bang-ngai-len-san-37981.html

Vì sao doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng “ngại” lên sàn?

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng “ngại” lên sàn là vì muốn "om" miếng bánh lợi ích thêm ngày nào thì thêm cơ hội "tư lợi" ngày đó...

Ai dung túng cho doanh nghiệp “trốn” sàn hơn cả thập kỷ?

Sơn Đại Bàng tiền thân là Công ty Sơn Tổng Hợp Hà Nội, thuộc tổng công ty Hóa chất Việt Nam, ra đời từ năm 1970 và là doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam. Tháng 1/2006, CTCP Sơn Tổng Hợp Hà Nội tiến hành cổ phần hóa và từ đó đến nay ông Nguyễn Thiện Ái vẫn giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Kết quả kinh doanh, doanh thu trong 2 năm gần đây cụ thể là năm 2017 đạt 557 tỷ đồng nhưng một năm sau giảm gần 6%, doanh thu chỉ đạt 526 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 cũng giảm 23%, còn hơn 15 tỷ đồng.

Theo số liệu trên báo cáo thường niên năm 2018, vốn điều lệ công ty tại thời điểm kết thúc năm 2018 hơn 120,2 tỷ đồng với 408 cổ đông. Trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sở hữu hơn 3,24 triệu cổ phiếu tương ứng gần 27% vốn điều lệ công ty.

Ngoài ra Sơn Tổng Hợp Hà Nội còn có cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH DV và TM Hà Anh nắm giữ 3,7 triệu cổ phần tương ứng tỷ lệ 30,764%. Công ty cũng có cổ đông ngoại là Kawakami Paint Co.,Ltd (một công ty sơn của Nhật Bản) sở hữu 2,935% vốn điều lệ.

Như vậy, tính từ thời điểm cổ phần hóa đến nay doanh nghiệp sở hữu Sơn Đại Bàng đã chây ỳ vai trò của một công ty đại chúng đã hơn 13 năm. Và những án phạt của Ủy ban Chứng khoán dành cho doanh nghiệp này cũng chỉ xoay quanh việc không đăng ký giao dịch chứng khoán.

Mới đây nhất, ngày 22/7/2019, Công ty cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội (sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng) bị phạt 350 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 2a Điều 14 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được bổ sung theo Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP vì không đăng ký giao dịch chứng khoán.

Theo quy định tại điểm e khoản 2a Điều 14 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được bổ sung theo Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu CTCP Sơn Tổng Hợp Hà Nội lĩnh "trảm" của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vào khoảng tháng 10/2008, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với CTCP Sơn tổng hợp Hà Nội do những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân là do CTCP Sơn tổng hợp Hà Nội đã không lập và nộp hồ sơ công ty đại chúng cho Uỷ ban Chứng khoán đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Chứng khoán.

Trước đó, tháng 5/2007, công ty này cũng đã lĩnh án phạt của Ủy ban Chứng khoán khi thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 28,596 tỷ đồng lên 48,613 tỷ đồng và phân phối chứng khoán không đúng quy định, vi phạm quy định tại Điều 13 và Điều 21 Luật Chứng khoán. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện phát hành cho cán bộ chủ chốt nhưng không báo cáo UBCK vi phạm quy định tại Điểm 6.1 Khoản 6 Mục IV Thông tư 18/2007/TT-BTC.

Tuy nhiên, việc để Công ty cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội chây ỳ niêm yết trong thời gian dài hơn cả thập kỷ và có nguy cơ thất thu nguồn lực Nhà nước trách nhiệm thuộc về ai thì chưa được làm rõ. Và nếu lấy việc xử phạt hàng năm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra làm dẫn chứng ngụy biện cho hành vi dung túng Công ty cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội vô hình chung gây hệ lụy và bất công cho những doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ công ty đại chúng của mình.

Doanh nghiệp muốn “om” miếng bánh lợi ích?

Liên quan đến câu chuyện cổ phần hóa của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng liên tục “lĩnh án” phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong suốt cả thập kỷ trôi qua, đa phần các nhận định của chuyên gia kinh tế đều cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa không muốn lên sàn vì không muốn công khai minh bạch, không muốn đổi mới, doanh nghiệp chây ỳ lên sàn thêm ngày nào thì cơ hội mang lại nguồn “tư lợi” cho ban lãnh đạo doanh nghiệp thêm ngày đó.

Việc bắt buộc các doanh nghiệp lên sàn là nhằm minh bạch hóa thông tin, tài sản Nhà nước được đảm bảo, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cổ đông có quyền được biết về hoạt động của doanh nghiệp, tình hình tài chính một cách cụ thể.

Ngoài ra, niêm yết sau khi cổ phần hóa cũng là một kênh gọi vốn đầu tư hiệu quả, muốn “soi” sức khỏe của doanh nghiệp chỉ cần nhìn vào diễn biến giá của cổ phiếu.

Ngược lại, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán thì chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Bên cạnh đó, cổ đông Nhà nước chiếm tới 70 - 80% vốn điều lệ sẽ khiến cổ phiếu rơi vào tình trạng không có thanh khoản nên về bản chất vẫn là như nhau.

Theo quan điểm từ một nhà đầu tư, bình thường ngay tại những doanh nghiệp trên sàn thì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ vẫn còn bị xâm phạm không ít. Vậy nên, với những doanh nghiệp ngoài sàn, quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ càng khó được đảm bảo.

Bởi việc doanh nghiệp “trốn” lên sàn còn tạo điều kiện cho nhiều hoạt động không minh bạch khác, gây nên những “ẩn họa” không chỉ cho nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả cổ đông Nhà nước.

Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước như đất đai, bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cán bộ thiếu năng lực vẫn được tuyển dụng qua sự cấu kết nào đó như câu chuyện của Sabeco hay nhiều doanh nghiệp khác từng diễn ra trong thời gian vừa qua.

Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp chây ỳ lên sàn như hiện nay, các nhà đầu tư nên đề xuất các cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra từ đó xác minh rõ ràng sai phạm của doanh nghiệp, trên cơ sở đó áp dụng chế tài xử phạt mạnh tay nhằm đảo bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và từ đó hạn chế thất thu nguồn lực Nhà nước.

Admin
Admin

Posts : 226
Join date : 2021-09-21

https://ssinv.forumvi.com

huyen.ngtt98 likes this post

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum